Nhận định Nhà_Hồ

Công cuộc cải cách của nhà Hồ thực hiện chỉ được trong thời gian quá ngắn ngủi. Cũng như nhiều cuộc cải cách khác trong lịch sử, cuộc cải cách của Hồ Quý Ly vấp phải sự phản đối trong nước, nhưng không phải vì vậy mà nhìn nhận cuộc cải cách hoàn toàn tiêu cực. Như trường hợp "Biến pháp Thương Ưởng" đời Chiến quốcnước Tần trong lịch sử Trung Quốc, thời kỳ đầu cũng gây sốc mạnh trong xã hội nước Tần, nhưng sau đó vẫn được duy trì và nhờ vậy mà nước Tần trở thành một nước hùng mạnh, tạo tiền đề cho sự thống nhất toàn quốc. Sự phản ứng của dân chúng nước Tần cũng lắng dần theo thời gian. Vấn đề của cuộc cải cách nhà Hồ là nó chưa đủ thời gian để phát huy tác dụng. Mặt khác, các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng các chính sách cải cách đó chủ yếu phục vụ cho lợi ích chiến tranh; hơn thế nữa cuộc cải cách được thực hiện dồn dập trong thời gian ngắn nhưng không thích hợp với bối cảnh xã hội: dùng chữ Nôm để đề cao ý thức dân tộc nhưng giới sỹ phu đã quen dùng chữ Hán, dùng tiền giấy tuy tiết kiệm nhưng dễ bị làm giả, dễ hư hỏng nên bị dân chúng phản đối, hạn điền và hạn nô làm giảm lợi ích của địa chủ, quý tộc cũ... Cuộc cải cách gây xáo trộn lớn trong tâm lý mọi người và sự bất bình, chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Sự bất bình còn chưa kịp lắng xuống thì đã có thế lực ngoại quốc xen vào cùng tiếng hô hào "lật đổ" khiến số đông người trong nước Đại Ngu đồng tình[8].

Vào giai đoạn cuối của nhà Trần, thế nước đã suy, nhân dân đói khổ, nhưng nhà Hồ lại không “khoan thư sức dân” mà còn tiến hành chiến tranh với Chiêm Thành và dời đô về Thanh Hóa, bắt dân chúng lao dịch để xây xây thành trì kiên cố, khiến cho dân chúng càng thêm lầm than, oán ghét nhà Hồ. Mặc dù có quân đội mạnh, thành cao, hào sâu nhưng cuộc kháng chiến chống Minh của Hồ Quý Ly chỉ kéo dài được hơn 6 tháng. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (con trai cả của Hồ Quý Ly) cũng nhận ra điều này khi nói rằng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”[9]

Việc dời đô từ Thăng Long, nơi trung tâm đô hội, quy tụ nhân tâm trong nước, vào Thanh Hóa cũng cho thấy một phần biểu hiện của việc nhà Hồ mất lòng dân ở vùng căn bản Bắc Bộ. Khi không có được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng trong nước, nhà Hồ gặp vô vàn khó khăn khi phải chống ngoại xâm và đã thất bại nhanh chóng, không thể duy trì được cuộc kháng chiến trường kỳ mà nhà Lý, nhà Trần từng làm chống phương Bắc[10].

Trước nguy cơ can thiệp dùng chiêu bài "phù Trần diệt Hồ" của nhà Minh, nhà Hồ không kịp thời có những điều chỉnh cần thiết để quy tụ lòng người và có biện pháp ngoại giao mềm dẻo hơn để duy trì hòa bình cần thiết. Trái lại nhà Hồ chủ trương dùng biện pháp cứng rắn để đối phó với kẻ địch mạnh hơn nhiều trong khi mình chưa đủ thực lực và "chân đứng" trong nước, và hơn nữa khả năng quân sự của các nhà cầm quyền triều Hồ lại không có gì nổi bật[11].

Còn một nguyên nhân khác dẫn đến thất bại của nhà Hồ. Đối với vấn đề Chiêm Thành, nhà Hồ đã mắc sai lầm. Trước đây khi gặp giặc Nguyên-Mông, nhà Trần chủ trương liên minh với Chiêm Thành, 2 bên gác lại mâu thuẫn để cùng chống giặc mạnh; vua Đại Hành nhà Tiền Lê rất giỏi về quân sự nhưng cũng chỉ phát binh đánh Chiêm sau khi đã làm nhà Tống thua tơi tả phải chùn tay ở phía bắc. Nhà Hồ thì ngược lại, vừa lập nước đã liên tiếp đánh Chiêm, tuy đất đai có được mở nhưng sức lực hao mòn, chỗ đất mới chưa đứng vững chân được để làm nơi dung thân khi bị phương bắc ép xuống, nước Chiêm khi đó đã thành kẻ thù không thể xin nhờ cậy.

Như vậy nhà Hồ chẳng những tự cô lập mình trong chính sách đối nội mà trong chính sách đối ngoại cũng tự cô lập nốt. Trong không được lòng dân, ngoài không có liên minh, kẻ địch mạnh hơn gấp bội, nhà Hồ thất bại là tất yếu. Thất bại của nhà Hồ là bài học sâu sắc trong việc giữ nước mà nhà Hậu Lê (tạm lập Trần Cảo) và nhà Mạc (đầu hàng nhà Minh trên danh nghĩa) sau này đã rút ra kinh nghiệm để không mắc phải sai lầm tương tự, gây ra cảnh "nước mất nhà tan"[8].

Sau 500 năm giành được quyền tự chủ, Việt Nam lại mất về tay Trung Quốc. Sau Khúc Thừa Mỹ, tới đầu thế kỷ 15, người cai trị Việt Nam lại bị bắt làm tù binh. Cha con Hồ Quý Ly chỉ có phong thái của những ông vua văn trị, những ông quan mũ cao áo dài mà không phải là những chiến tướng khi có chiến sự, do đó đều chịu trói về Bắc mà không dám chọn lấy cái chết oanh liệt khi đại cuộc không thể cứu vãn. Việc mất nước của nhà Hồ để lại hậu quả tổn thất không nhỏ cho nước Đại Việt, nhất là về văn hoá.

Liên quan